Hãy cùng Hikari điểm qua những việc du học sinh cần thực hiện ngay sau khi đến Nhật nào.
Chỉ cần 6 giờ bay là bạn đã đặt chân đến Nhật Bản - đất nước Mặt trời mọc. Thế là thỏa mãn mong ước “sáng thức dậy ở một nơi xa” rồi nhé! Sau bao tháng ngày nổ lực rèn luyện và học tập thì mơ ước du học đã trở thành hiện thực. Vui vẻ, phấn khởi, hạnh phúc là những cung bậc cảm xúc chắc chắn xảy ra lúc này, nhưng các du học sinh hãy luôn giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” cho lần đầu tiên đặt chân lên xứ sở Phù Tang nhé. Vì có một list những việc đang chờ bạn hoàn thành đấy. Hãy cùng Hikari điểm qua những việc du học sinh cần thực hiện ngay sau khi đến Nhật nào.
1.Tại sân bay
Khi vừa bước xuống sân bay Nhật, bạn cần tìm quầy làm thủ tục nhập cảnh. Chuẩn bị sẵn sàng những câu trả lời cho các câu hỏi: bạn đến Nhật Nản để làm gì? Trong thời gian bao lâu? Chuẩn bị cả những giấy tờ tùy thân cần thiết khác để chứng minh. Hãy nhớ hoặc ghi ra giấy số hiệu chuyến bay của mình để dễ dàng lấy hành lý ký gửi.
2.Giấy tờ tùy thân
Có rất nhiều du học sinh băn khoăn không biết sang Nhật thì cần những giấy tờ tùy thân gì? Phải đem theo giấy tờ gì? Qua Nhật cần đăng ký những giấy tờ nào?
Bạn phải nhanh chân làm thủ tục đăng ký là người ngoại quốc. Thời gian cho bạn là 90 ngày – kể từ ngày đầu tiên đến Nhật. Sau đó, bạn sẽ được cấp “thẻ ngoại kiều”, nó giống như chứng minh thư của bạn vậy đó. Hãy nhớ rằng, phải luôn luôn mang theo tấm thẻ “vi diệu” này bên người.
Hộ chiếu, thẻ học sinh là những giấy tờ quan trọng vì vậy không được đưa cho người lạ. Đặc biệt, càng không được cho mượn, vì có thể bị lộ thông tin cá nhân. Nếu chẳng may bạn làm hư hỏng hoặc làm mất cần báo ngay cho nhà trường hoặc cảnh sát gần nhất.
3. Liên hệ đại sứ quán
Đại sứ quán là cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, bảo vệ quyền lợi cho công dân Việt Nam. Vậy nên, sau khi vừa đến Nhật Bản, bạn hãy liên lạc ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo hoặc Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Osaka. Các thông tin cá nhân liên quan: trường bạn học, thời gian học, địa chỉ nơi cư trú, cách thức liên lạc…cần cung cấp cho Đại sứ quán trong vòng 1 tuần khi bạn đã đến Nhật. Có như vậy, bạn sẽ yên tâm học tập và làm việc tại Nhật Bản.
4. Làm thẻ ngân hàng
Việc làm thẻ ngân hàng đối với du học sinh tương đối thuận lợi. Bạn có thể nhờ các thầy cô giáo phụ trách hướng dẫn hoặc ra trực tiếp ngân hàng. Sống và học tập tại Nhật bạn phải có cho mình ít nhất một loại thẻ ngân hàng để tiện trong việc thanh toán tiền nhà, cước điện thoại, internet, mua hàng qua mạng… Quan trọng hơn, thẻ ngân hàng còn dùng để chuyển tiền về Việt Nam hoặc gửi tiền từ Việt Nam sang để đóng học phí.
Theo kinh nghiệm từ các cựu du học sinh bạn nên làm ít nhất 3 loại thẻ ngân hàng. Khi bước chân sang Nhật và ổn định chỗ ở, bạn nên đăng ký ngay cho mình một thẻ Yucho (ngân hàng bưu điện). Loại thẻ này có ưu điểm là dễ dàng đăng ký và thuận tiện rút tiền vì có hệ thống ATM phân bố rộng rãi.
5. Làm con dấu
Khác với Việt Nam chỉ có các công ty mới được sử dụng con dấu, ở Nhật Bản mỗi người dân đều sở hữu con dấu. Con dấu hay còn gọi là Inkan – dùng để thay cho chữ ký. Ở đất nước này, Inkan thường được làm bằng gỗ, đá hoặc nhựa. Inkan được sử dụng để xác nhận thư, bưu phẩm, mở tài khoản ngân hàng, và các giao dịch khác…Là du học sinh bạn bạn được đăng ký làm con dấu với điều kiện: trên 16 tuổi và có giấy chứng nhận đăng ký người ngoại quốc.
6. Đăng ký điện thoại, internet
Việc đăng ký điện thoại và internet ở mỗi vùng không giống nhau. Ở thời điểm vừa đặt chân đến Nhật, du học sinh có thể tạm thời sử dụng điện thoại công cộng để có thể gọi điện về cho gia đình và liên lạc đến những nơi cần thiết. Đa số các trường tại Nhật đều cho học sinh, sinh viên sử dụng Internet miễn phí 24/24. Còn nếu bạn muốn dùng internet tại nhà thì phải đăng ký và cần có thuê bao di động cố định.
Các bạn du học sinh đặc biệt lưu ý, cảnh giác với những người lạ mặt khăng khăng muốn giúp bạn đăng ký điện thoại hoặc internet. Tuyệt đối không được đưa tiền hay giấy tờ tùy thân cho những đối tượng này.
7. Sắm sửa các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày
Trước khi đi du học, tại Việt Nam bạn đã mua sắm kha khá rồi. Tuy nhiên, đó chỉ là những vật dụng thiết yếu, phục vụ tạm thời. Tùy vào địa điểm mà bạn học tập tại Nhật sẽ có chợ, khu mua sắm, cửa hàng tiện lợi. Khi mua sắm tại Nhật Bản, bạn hoàn toàn yên tâm vì sẽ không phải trả giá hoặc lo sợ chặt chém bởi hàng hóa đều được niêm yết giá sẵn. Dụng cụ học tập, đồ gia dụng và các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt hằng ngày là những gì bạn nên sắm sửa.
Tốt nhất bạn hãy viết ra giấy danh sách các thứ cần mua, đây là bí kíp để mua sắm nhanh chóng, khoa học.
8. Liên hệ chặt chẽ với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Sau khi ổn định được cuộc sống, bạn hãy tích cực tham gia vào cộng đồng du học sinh. Bạn sẽ học hỏi được nhiều điều, được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, được hướng dẫn và giúp đỡ về mọi mặt từ thế hệ du học sinh đi trước. Tốt nhất, trước tiên hãy tìm cách liên hệ với các bạn cùng trường, cùng địa phương mà bạn sinh sống. Tham gia vào các hoạt động của cộng đồng du học sinh sẽ giúp bạn vơi bớt nỗi nhớ gia đình, bạn bè trong những ngày đầu xa xứ.
Một nhà hiền triết từng nói “người lạc quan là người luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn”. Những ngày đầu sống trên một đất nước xa lạ quả thật là khó khăn, thử thách không hề nhỏ nhưng các “tân du học sinh” hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ để chinh phục giấc mơ du học Nhật Bản nhé .
Hi vọng qua bài viết trên của Hikari đã giúp bạn phần nào làm đầy thêm hành trang du học của bản thân! Chúc các bạn “tân du học sinh” học tập thật tốt và lưu giữ những khoảnh khắc thanh xuân đáng nhớ trên đất nước hoa anh đào xinh đẹp nhé.